Trong tháng 11 và 12, dự án đã thực hiện việc điều tra tại 3 tỉnh Nghệ An, Quảng Ninh và Hải Phòng. Với mục đích thu thập thông tin về hiện trạng sử dụng thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học trong NTTS. Đây là phần hoạt động nằm trong nội dung lớn " tác động của biến đổi khí hậu lên an toàn sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản" của dự án.
Tại Nghệ An, có 30 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với hình thức nuôi thâm canh và 10 đại lý bán thuốc đã được điều tra. Các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung tại Nghệ An chủ yếu ở 3 huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Hoà (TP Vinh). Trong khi đó, các đại lý bán thuốc chủ yếu tập trung tại huyện Quỳnh Lưu. Một số đại lý lớn tại Quỳnh Lưu ngoài việc cung cấp thuốc và hoá chất cho người nuôi tôm tại Nghệ An còn cung cấp cho một số người nuôi tôm tại các huyện lân cận thuộc tỉnh Thanh Hoá.

Tại Hải Phòng, nhóm cán bộ đã thu thập thông tin về tình hình sử dụng thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học tại 25 hộ nuôi cá lồng biển với hình thức nuôi thâm canh, 15 hộ nuôi cá biển trong ao nuôi bán thâm canh và thông tin của 5 đại lý bán thuốc. Vùng nuôi cá lồng chủ yếu tập trung tại Đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, Hải Phòng. Người nuôi cá lồng biển tại Cát Bà chủ yếu dùng các sản phẩm thuốc của người mua tại các hiệu thuốc tây và tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.
Tại Quảng Ninh, đã có 30 hộ nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã được điều tra. Đồng thời, có 10 đại lý bán thuốc và hoá chất cũng đã được dự án tiếp cận và thu thập thông tin. Trong đó, có 3 đại lý bán thuốc lớn nhất Móng Cái có chủ đại lý là người Trung Quốc. Các chủ đại lý này thông báo họ không chỉ bán thuốc cho người nuôi thủy sản tại Móng Cái, mà còn cung cấp thuốc cho miền bắc và một số khách hàng ở miền Nam.
Chi tiết kết quả của chuyến khảo sát lần này sẽ được tổng hợp thành báo cáo vào cuối tháng 1 năm 2013.