Tin hoạt động

Công tác khảo sát thực địa tại Quảng Ninh lần 1 (18/04/2012)

Từ ngày 20/3, đoàn cán bộ dự án ICA và các đối tác nghiên cứu thuộc trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản miền Bắc (gọi tắt là CEDMA)  đã tiến hành các chuyến đi thực địa đầu tiên tới ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Nghệ An.

Tham gia chuyến đi khảo sát thực địa đầu tiên này có bà Phan Thị Vân, giám đốc dự án; ông Nguyễn Hữu Nghĩa, điều phối nghiên cứu và các thành viên khác thuộc ban quản lý dự án. Đến từ đối tác nghiên cứu chính (CEDMA), có ông Mai Văn Tài giám đốc trung tâm và bà Đặng Thị Lụa, phó giám đốc trung tâm. Mục tiêu chính của chuyến đi này là: 1) Xác định được người sẽ tham gia dự án tại địa phương, đầu mối liên lạc giữa dự án và địa phương; 2) Xác định được đối tượng và khu vực nghiên cứu; 3) Bước đầu tìm hiểu về các nguồn dữ liệu mà dự án có thể tiếp cận; 4) Giới thiệu với Sở NN& PTNT về chương trình học bổng thạc sĩ mà dự án tài trợ cho địa phương.

 

 

 Tại Quảng Ninh, đoàn cán bộ dự án đã được chi cục NTTS tỉnh Quảng Ninh mà đại diện là ông Lưu Văn Dần – phó chi cục trưởng và ông Đặng Đình Nhâm – trưởng phòng Môi trường và dịch vụ đón tiếp nồng nhiệt. Sau khi nghe bà Phan Thị Vân, đại diện cho đoàn cán bộ dự án, giới thiệu về dự án cũng như mục tiêu của chuyến đi này, đại diện cho Sở NN&PTNT, ông Lưu Văn Dần đã cảm ơn dự án vì việc lựa chọn tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa điểm triển khai dự án, và hi vọng vào sự đóng góp của những công trình nghiên cứu sắp tới của dự án vào hoạt động NTTS tại địa phương trước những biến động thất thường của khí hậu. Đặc biệt, theo ông Dần, tỉnh rất quan tâm tới việc mô hình hóa GIS các khu vực NTTS và các thông số liên quan tới dịch bệnh thủy sản cũng như việc xây dựng các kịch bản ứng phó với BĐKH phục vụ cho mục đích quản lý và dự báo của mình.

Đồng thời, chi cục đã đề cử chị Đặng Thị Vy , nghiên cứu viên phòng Môi trường và dịch vụ, tham gia dự án tại địa phương và cũng là người liên lạc giữa ban quản lý dự án và các đối tác tại địa phương. Với tinh thần ham học hỏi, sức khỏe và sức trẻ, kết hợp với chuyên môn vững vàng, hi vọng rằng chị Vy sẽ có thời gian làm việc và cộng tác tốt cùng với các cán bộ thuộc dự án.

Về đối tượng nghiên cứu, khu vực nghiên cứu và các qui mô tiến hành mô hình, các cán bộ dự án và các đối tác đã chọn ra được hai đối tượng nghiên cứu chính đó là: Tôm thẻ chân trắng ở Móng Cái và cá rô phi ở Đông Triều và Yên Hưng. Mô hình nghiên cứu sẽ được chuẩn bị dần và thiết lập trong các chuyến đi thực địa tới từng vùng nghiên cứu. Các nguồn dữ liệu mà dự án có thể tiếp cận đã được xác định bao gồm các số liệu bản đồ nền hiện có tại Sở KHCN tỉnh Quảng Ninh và một số dữ liệu liên quan tới mô hình hóa GIS khu vực NTTS đã được tiến hành trước đây của chi cục.

Bên cạnh đó, nhằm mục đích nâng cao năng lực nghiên cứu cho các cán bộ Sở NN&PTNT tại các điểm dự án triển khai, căn cứ vào thỏa thuận giữa BQL dự án và các đối tác, bà Phan Thị Vân đã giới thiệu chương trình học bổng thạc sĩ trong nước dành cho 01 cán bộ tại mỗi tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Nghệ An. Học bổng bao gồm học phí, kinh phí làm đề tài tốt nghiệp và hỗ trợ một phần tiền ăn ở và sinh hoạt phí. Đại diện cho Sở NN&PTNT Quảng Ninh và chi cục NTTS tỉnh Quảng Ninh, ông Lưu Văn Dần một lần nữa cảm ơn dự án và đảm bảo sẽ cử người có đầy đủ phẩm chất và năng lực theo học chương trình học bổng này.

Cuộc họp song phương đầu tiên giữa đại diện dự án ICA và đại diện Sở NN& PTNT tỉnh  Quảng Ninh đã đạt được những mục tiêu đề ra, hứa hẹn cho sự cộng tác lâu dài sau này giữa địa phương và các cán bộ nghiên cứu.      

Hình ảnh nổi bật

     

     

Video clip

Liên kết website