Trong tháng 3, đoàn cán bộ dự án đã tới tỉnh Nghệ An và tiến hành cuộc họp song phương với đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An. Thành phần đoàn gồm có: bà Phan Thị Vân, giám đốc dự án; ông Nguyễn Hữu Nghĩa, điều phối viên dự án, cùng các thành viên khác trong ban quản lý dự án; đối tác nghiên cứu gồm có: ông Mai Văn Tài, giám đốc trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản miền Bắc (CEDMA) và bà Đặng Thị Lụa, phó giám đốc CEDMA. Đoàn cán bộ dự án ICA đã được đón tiếp bởi ông Trần Hữu Tiến, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, ông Trần Xuân Học, chi cục trưởng chi cục NTTS và các cán bộ, nghiên cứu viên khác tới từ chi cục.
Là một tỉnh chịu ảnh hưởng lớn bởi BĐKH và đã được rất nhiều tổ chức phi chính phủ, dự án quốc tế quan tâm về vấn đề BĐKH, ông Nguyễn Hữu Tiến đã phát biểu về tình hình diễn biến khí hậu phức tạp tại tỉnh, những khó khăn trong ngành NTTS nói riêng và trong ngành NN nói chung. Từ đó, ông Tiến cũng đặt ra nhiều kì vọng vào kết quả nghiên cứu của dự án, hi vọng rằng dự án sẽ góp phần thúc đẩy ngành NTTS tại địa phương phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.
Trong cuộc họp này, hai bên đã bàn bạc và thống nhất sẽ lựa chọn hai đối tượng ngao Bến Tre ở Quỳnh Lưu và tôm thẻ chân trắng ở Nghi Thiết để đưa vào nghiên cứu và xây dựng mô hình. Đồng thời, đại diện cho Sở NN&PTNT anh Trần Xuân Học- chi cục trưởng chi cục NTTS sẽ là cán bộ tham gia vào các hoạt động của dự án. Là một con người có chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm trong công tác thu thập số liệu, xây dựng mô hình và tuyên truyền phổ biến tới người dân, hi vọng rằng anh Học sẽ giúp đỡ dự án hoàn thành các hoạt động của mình tại địa phương thành công.

Phát biểu ý kiến về chương trình học bổng thạc sỹ trong nước của dự án ICA, ông Nguyễn Hữu Tiến đại diện cho lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An và ông Trần Xuân Học, đại diện cho chi cục NTTS một lần nữa gửi lời cảm ơn tới các đối tác Đan Mạch cũng như sự quan tâm của dự án dành cho sự phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Đồng thời, ông Tiến cũng hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong công việc để ứng cử viên thạc sỹ hoàn thành chương trình của mình thành công nhất.
Chuyến đi thực địa ở ba tỉnh đầu tiên đã kết thúc ở Nghệ An tốt đẹp. Nhìn chung, lần khảo sát thực địa đầu tiên này đã đạt được những mục tiêu đề ra, và bước đầu tạo được nền móng để tiến hành thực hiện các công tác thu thập số liệu, xây dựng mô hình, nghiên cứu tại địa phương. Hi vọng rằng, với tinh thần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, các hoạt động của dự án tại các địa phương sẽ được triển khai một cách thành công tốt đẹp, đưa lại những kết quả nghiên cứu phục vụ cho dự án nói riêng và cho sự phát triển của NTTS ở các địa phương nói chung.